Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika trên thế giới, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika. Đồng thời là các khuyến cáo mạnh mẽ đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai về cách phòng chống bệnh do virus Zika.
Chẩn đoán bệnh do virus Zika:
Triệu chứng lâm sàng: Thời gian ủ bệnh từ 3- 12 ngày. Biểu hiện: từ 60%- 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Ở những trường hợp có biểu hiện, bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt nhẹ 37,5 đến 38 độ C; ban dát sần trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc mắt; có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.
Triệu chứng cận lâm sàng: Huyết thanh chẩn đoán có thể giúp phát hiện IgM từ ngày thứ 4 sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên xét nghiệm này có thể dương tính giả do phản ứng chéo với các flavivius khác, như virus sốt xuất huyết và Chikungunya…; Xét nghiệm RT- PCR từ bệnh phẩm huyết thanh (hoặc các bệnh phẩm khác như nước tiểu, dịch não tủy, dịch ối…) được ưu tiên lựa chọn trong chẩn đoán xác định nhiễm virus Zika. Siêu âm thai đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để phát hiện chứng đầu nhỏ ở thai nhi.
Chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do virus Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh); Có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi; Không xác định được các căn nguyên gây bệnh khác (sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya…). Chẩn đoán ca bệnh xác định: là ca bệnh nghi ngờ và Xét nghiệm RT- PCR virus Zika dương tính hoặc phản ứng huyết thanh (IgM) dương tính với virus Zika.
Chăm sóc và xử trí đối với phụ nữ có thai:
Những người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch, hoặc chồng/bạn tình có xét nghiệm virus Zika dương tính; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban, và có ít nhất một trong số các triệu chứng sau đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt nên được xét nghiệm virus Zika.
Tất cả phụ nữ mang thai cần được khám thai, quản lý thai theo quy định: khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ (tại các thời điểm: lần đầu càng sớm càng tốt trong 3 tháng đầu, lần 2 trong 3 tháng giữa, lần 3 và 4 trong 3 tháng cuối).
Ngoài các nội dung khám thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; Khám phất hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ. Cần lưu ý rằng chẩn đoán tuổi thai chính xác nhất trên siêu âm là vào 3 tháng đầu. Chỉ có thể xác định được đầu nhỏ nếu đánh giá được chính xác tuổi thai. Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika, khi siêu âm cần chú trọng xác định đầu nhỏ ở thai nhi, các bất thường khác của não như giãn não thất, vôi hóa, teo não, không xác định được các bộ phận của não…
Đối với phụ nữ mang thai đã được xét nghiệm có kết quả virus Zika âm tính: nếu siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não cần chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh. Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cần tiếp tục chăm sóc thai phụ, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình, cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh.
Đối với phụ nữ mang thai đã được xét nghiệm có kết quả virus Zika dương tính: việc chăm sóc thai sản cần căn cứ vào kết quả siêu âm để xử trí phù hợp. Khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não, cần tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định và hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng. Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não, cần chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh. Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cần tiếp tục chăm sóc thai nghén, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình, cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh. Lưu ý nếu xét nghiệm Zika dương tính thì đây là trường hợp nghi ngờ có sự liên quan giữa nhiễm virus Zika với chứng đầu nhỏ hoặc các bất thường não khác.
Ngày càng có nhiều bằng chứng về mỗi liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và virus Zika (Ảnh minh họa)
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
- Thông tin chi tiết về bệnh do vi rút Zika tham khảo tại Website Cục Y tế dự phòng: vncdc.gov.vn và Bộ Y tế: moh.gov.vn. Điện thoại đường dây nóng: 0989. 671. 115.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika.
- Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.
- Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ/ bạn tình trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con.
- Danh sách địa phương có dịch bệnh do virus Zika được cập nhật trên Website Cục Y tế dự phòng:vncdc.gov.vn.
Clip thông điệp phòng chống virus Zika và sốt xuất huyết do Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế ban hành: