“Thỏ thẻ như trẻ lên ba”, nếu quá tuổi này mà trẻ chưa có khả năng trao đổi những điều thông thường nghĩa là bé đã bị chậm nói
Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ
– Từ 3 – 6 tháng: Trẻ bắt đầu biết “hóng chuyện”, nhìn về phía có tiếng động phát ra
– Từ 6 – 9 tháng: Trẻ có thể nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”
– Từ 9 – 12 tháng: Trẻ “ê”, “a” kéo dài thành chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Một số bé khi được 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ 1 âm tiết đơn giản khá rõ như “bà”, “bố”.
– Từ 12 – 15 tháng: Trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
– Từ 15 – 18 tháng: Trẻ nói được 4 từ kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ đồ vật, con vật. 18 tháng tuổi, trẻ có thể tự nối ghép được hai từ với nhau, bắt đầu hình thành câu có trật tự.
– Từ 18 tháng đến 2 năm: Trẻ biết gọi tên người, chào hỏi hay từ chối.
– Từ 2 – 3 tuổi: Trẻ nói rất nhiều, tự nói chuyện một mình khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết đặt những câu hỏi đơn giản và biết trả lời các câu hỏi như cái gì, ở đâu, có hay không.
– Từ 3 – 4 tuổi: Trẻ nói được các câu phức tạp, tạo ngữ điệu như người lớn, thường hỏi những câu cái gì, ở đâu, tại sao…
Vì sao trẻ chậm nói?
Có 2 nhóm nguyên nhân chính làm trẻ chậm nói:
– Nguyên nhân thực thể: Do bất thường về các cơ quan phát âm (tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy (não bị dị tật bẩm sinh, viêm màng não…). Đối với trẻ chậm nói do nguyên nhân thực thể, đa phần là do trẻ có vấn đề về thính lực (khả năng nghe).
– Nguyên nhân tâm lý: Do gia đình hay bỏ bê trẻ, không giao lưu tiếp xúc, nói chuyện với trẻ hoặc có vấn đề nào đó ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Cách khắc phục tình trạng chậm nói hiệu quả ở trẻ giúp bé mau biết nói
Trước tiên cha mẹ, người thân cần chú ý chăm sóc, quan tâm phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ phù hợp với độ tuổi, và cần can thiệp sớm khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về phát triển ngôn ngữ.
Các biểu hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ ở trẻ:
Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
Không cười tự phát lúc 6 tháng.
Không bập bẹ lúc 8 tháng.
Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi.
Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cha mẹ tại gia đình, hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.
Đối với trẻ chậm nói do nguyên nhân thực thể, đa phần là do trẻ có vấn đề về thính lực. Các bác sĩ phải điều trị về thính lực cho trẻ. Đối với trẻ bị điếc nhẹ và điếc trung bình thì việc điều trị trước 5 tuổi rất có hiệu quả. Trong những trường hợp điếc do viêm tai, thủng màng nhĩ, trẻ sẽ được điều trị bằng phẫu thuật, vá màng nhĩ để nâng sức nghe. Với những trường hợp không nghe lại được thì phải can thiệp bằng cách đeo máy nghe.
Chăm sóc phát triển ngôn ngữ ở trẻ tập nói
Cha mẹ cần quan tâm chăm sóc thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ tùy theo độ tuổi. Trẻ có thể nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói.
Do đó cha mẹ cần khuyến khích trẻ tập nói.
Cần thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói. Chú ý lắng nghe, cho con bạn có thời gian để thực hiện những lời trẻ sắp nói, cũng như thường xuyên đưa ra lời động viên như: “Con nói giỏi lắm”, giúp trẻ mạnh dạn tập nói.
Nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho con bạn biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt. Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.