1.Thân nhân chiến sĩ công an bị đau ốm được trợ cấp 500.000 đồng
Nghị định số 05/2016/NĐ-CP quy định thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị từ 07 ngày trở lên tại bệnh viện được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần. Có hiệu lực từ ngày 01/03/2016. Cũng theo Nghị định này, mức trợ cấp khó khăn đột xuất với gia đình chiến sĩ phải di dời chỗ ở và thân nhân chiến sĩ từ trần, mất tích sẽ được tăng thêm 01 triệu đồng/suất so với quy định trước đây. Cụ thể, mức trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần được áp dụng trong trường hợp gia đình chiến sĩ, hạ sĩ quan gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở; mức trợ cấp 02 triệu đồng/suất áp dụng với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích.
2. Áp dụng thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT
Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y Tế và Tài Chính, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016. Cụ thể, từ ngày 01/03/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Theo đó, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá được áp dụng là 20.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 15.000 đồng/lượt; hạng III là 10.000 đồng/lượt và hạng IV là 7.000 đồng/lượt. Trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chỉ khi mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) thì mức giá là 200.000 đồng/lượt.
Từ ngày 01/07/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế sẽ bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Như vậy, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá là 39.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 35.000 đồng/lượt; hạng III là 31.000 đồng/lượt và hạng IV là 29.000 đồng/lượt. Vẫn như thời điểm trước, trong trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó thì mức giá được áp dụng là 200.000 đồng/lượt. Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn được thanh toán một lần khám bệnh.
Cách tính tiền lãi trốn đóng BHYT, BHXH
Đây là một trong những nội dung của Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được ban hành ngày 03/02/2016.
Thông tư quy định, trường hợp trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia; chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng.
Trong đó, toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016 được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016. Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2016.
3. Ô tô được đi tối đa 60km/h trong khu đông dân cư
Tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Bộ Giao thông Vận tải quy định tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe. Như vậy việc xác định tốc độ chạy xe trong khu đông dân cư sẽ phụ thuộc vào loại đường xe chạy mà không phụ thuộc vào loại xe như quy định trước đây.
Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h; 70km/h và 60km/h… Đối với xe máy khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ nhưng không quá 40km/h. Trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô, xe máy phải tuân thủ tốc độ tối đa không quá 120km/h.
4. Chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của hai bên
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.
Theo đó, khi vợ chồng ly hôn, việc chia tài sản được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; trong đó, bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn…; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; trong đó, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm vẫn được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; cụ thể như trường hợp người chồng có hành vi bạo lực, không chung thủy thì khi giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ xem xét đến yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung…
Cũng theo Thông tư liên tịch này, giá trị tài sản chung của vợ, chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết chia tài sản, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động…
5. Hà Nội, TP.HCM có tối đa 5 Phó Chủ tịch UBND
Theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2016, số lượng Phó Chủ tịch UBND được quy định cụ thể theo từng cấp, ở khu vực đô thị và nông thôn. Ở đô thị, các thành phố trực thuộc TW có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND. Tại các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Tại các phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Ở nông thôn, tỉnh loại I có tối đa 04 Phó Chủ tịch UBND, tỉnh loại II, loại III có tối đa 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND và xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Nguồn Sưu tầm