Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho hay, mùa bệnh tay chân miệng đang ở đỉnh điểm và thông thường sẽ còn kéo dài đến khoảng tháng 11.
Tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca mới nhập cũng liên tục tăng. Mỗi ngày có 40 - 50 trẻ nằm viện, trong đó khoảng 10% các bé bị biến chứng.
Tình hình trẻ đến khám và nằm viện vì bệnh tay chân miệng tại các bệnh viện tuyến quận huyện như Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Tân Bình, Thủ Đức, cũng tăng dần trong những ngày cuối tháng 9 và hai tuần đầu tháng 10. Theo nhận xét của nhiều bác sĩ, diễn tiến của bệnh đang theo chiều hướng tăng dần.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM nhìn nhận, dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và sẽ còn tiếp tục tăng kéo dài trong tháng tới.
Phân tích nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng ca, ngoài yếu tố dịch tễ - tức bệnh "đến hẹn lại lên", ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, đây là hậu quả của việc chống dịch chưa tích cực của các quận huyện.
Tại buổi giao ban với các trung tâm y tế dự phòng 24 quận huyện ngày 15/10, ông Giang thẳng thắn nhận định, ngoài đợt tổng vệ sinh phòng dịch tay chân miệng được phát động thực hiện hồi tháng 4, nhiều tháng trở lại đây việc phòng bệnh này gần như bị y tế địa phương bỏ ngỏ.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng cùng với sự tồn tại song song của các bệnh sốt xuất huyết, cúm H1N1, dịch đau mắt đỏ, ông Giang yêu cầu các quận huyện lập tức thực hiện tổng vệ sinh và rà soát lại công tác phòng bệnh.
Các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thì cho rằng, bệnh do một nhóm virus gây nên và lây chủ yếu qua tiếp xúc. Chính vì thế mỗi gia đình có thể ngừa bệnh cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh các vật dụng mà bé thường tiếp xúc như bình bú, đồ chơi, chăn gối...
Những biểu hiện sốt kéo dài kèm xuất hiện loét miệng, lợi, lưỡi; nốt hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông; thi thoảng bị giật mình... thì nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán điều trị.