SAI LẦM TAI HẠI CỦA BỐ MẸ KHI PHÊ BÌNH CON

21/08/2016

Khi con mắc lỗi, bố mẹ cần có những biện pháp giúp bé nhận ra điểm sai và học cách khắc phục. Tuy nhiên, việc chọn không đúng thời điểm hay cách thức phê bình sai đôi khi lại phản tác dụng hoặc gây nên những khiếm khuyết tinh thần trong quá trình phát triển nhân cách bé.

SAI LẦM TAI HẠI CỦA BỐ MẸ KHI PHÊ BÌNH CON
1.      Phê bình bé khi tức giận

(Nguồn internet)

Khi nóng giận, chúng ta thường mất kiểm soát với hành vi, lời nói của mình. Việc vô ý lỡ lời, nặng lời với bé khi phê bình con trong lúc nóng giận là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều ấy vô hình trung gây tổn thương lòng tự trọng, danh dự và nhân phẩm của bé. Từ đó, những lời răn dạy của bạn khiến bé ngày một khó chịu, bỏ ngoài tai thay vì lắng nghe và ghi nhớ.
2.      Phê bình bé khi đang ăn
Ông bà ta có câu “trời đánh còn tránh miếng ăn”, huống hồ bữa cơm gia đình trong văn hóa Việt là thời điểm đoàn viên, quây quần cùng nhau bên mâm cơm đầm ấm. Việc phê bình bé khi ăn cơm không những phá vỡ bầu không khí gia đình mà còn khiến bé ăn không ngon miệng, dễ gây rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Ngoài ra, phê bình con trong lúc ăn chưa thật sự hiệu quả do sự tập trung của các bé khi đó bị phân tán, chưa lắng nghe hết những gì bạn muốn truyền đạt.
3.      Phê bình bé trước mặt người lạ/anh chị em/bạn bè
Đừng nghĩ rằng “trẻ con cần gì phải có sĩ diện”. Trẻ em cũng cần phải được bảo vệ danh dự và nhân phẩm. Việc phê bình con trước mặt người lạ/anh chị em/ bạn bè của con sẽ khiến bé mặc cảm thua thiệt với các bạn cùng trang lứa, tâm lý tự ti, rụt rè khi giao tiếp xã hội. Hậu quả của hành vi trên là bé không chịu tiếp thu những lời khuyên bảo của bạn.
4.      So sánh bé khi phê bình
Câu nói “Con nhà người ta” thường xuyên được sử dụng mỗi khi chúng ta muốn bé sửa sai, phấn đấu bằng bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù mang dụng ý muốn bé học hỏi điểm tốt của bạn bè nhưng vô hình trung, bạn đã gây nên sự thiếu tự tin nơi bé, cảm giác kém cỏi, sự lo lắng về việc bố mẹ không còn yêu thương bé. Phương pháp so sánh khi dạy dỗ bé chỉ thật hiệu quả khi bố mẹ biết sử dụng thận trọng, lời lẽ vừa phải, tránh đánh giá thấp bé.
5.      Đánh giá tiêu cực con người của bé
“Đồ vô tích sự”, “Con thật hư hỏng”, “Con chỉ được đến thế thôi”,…là những câu nói vô cùng tai hại khi chúng ta phê bình bé. Lỗi sai của bé không thể quy chụp thành bản tính, con người của bé sau này. Thay vì chỉ ra lỗi sai của con ở đâu, cần sửa như thế nào, chúng ta lại áp đặt, phán xét tiêu cực về con người bé. Hậu quả là bé không những không nhận sai mà còn học theo cách giải quyết vấn đề bảo thủ, phiến diện từ bố mẹ. 

Tin được quan tâm

Tin tức khác

go top