NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ KHI MANG THAI Ở NHẬT BẢN

21/10/2017

Tôi “chân ướt chân ráo” theo chồng sang Nhật ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Ngày đó vợ chồng tôi cũng định kế hoạch một vài năm cho đến khi nào ổn định mới sinh con nhưng vì 2 tháng liền tôi đi xin việc mà không được nên tôi quyết định ở nhà chăm con rồi học tiếng Nhật luôn một thể. Ba tháng sau đó, tôi dính bầu và tôi đã vô cùng bất ngờ khi được một lần trải nghiệm quá trình bầu bí ở đất nước mặt trời mọc này.

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ KHI MANG THAI Ở NHẬT BẢN

CHUYỆN TĂNG CÂN KHI MANG THAI

Nói về chuyện tăng cân khi mang thai chắc chắn sẽ khiến tất cả mẹ bầu Việt ngạc nhiên bởi bác sĩ chỉ cho phép tôi được tăng 8kg. Vốn thuộc tuýp người dễ tăng cân, tôi đã nhiều lần bị bác sĩ mắng vì mỗi tuần tăng quá lượng cân cho phép. Có những tháng tôi đã phải cố gắng ăn kiêng rất khổ sở để ép mình tránh lên cân quá nhiều. Bác sĩ sản ở đây nói, mỗi ngày mẹ bầu chỉ cần ăn uống thêm một ly sữa hoặc một lát bánh mì trứng là đã đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé.

Việc tăng cân có kiểm soát này nhằm mục đích giúp các sản phụ ngăn ngừa được những nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường, cao huyết áp và dễ dàng sinh thường. Các bác sĩ ở đây cũng thường khuyên sản phụ cố gắng đẻ thường bằng mọi cách để tốt nhất cho mẹ và bé.

BỨC RÈM CHE KHI KHÁM THAI

Bức rèn này rất đơn giản nhưng lại là vật dụng cực hữu ích với các mẹ bầu khi đi khám thai, siêu âm. Hầu hết các bệnh viện ở Nhật Bản đều có một chiếc ghế hồng to có thể tự động điều chỉnh hướng và độ cao chỉ bằng một nút bấm. Khi bác sỹ thực hiện siêu âm, sẽ luôn có một chiếc rèm được kéo để che giữa bác sỹ và sản phụ. Chiếc rèm này sẽ khiến sản phụ cảm thấy bớt ngại ngùng và thoải mái hơn.

GIỮ ẤM BỤNG BẦU

Ở Nhật, việc giữ ấm bụng khi đang mang bầu là một thói quen rất phổ biến. Ngay cả trong những ngày nắng nhất, nóng nhất giữa mùa hè, phụ nữ Nhật cũng luôn có ý thức đeo băng để giữ ấm bụng. Tại các siêu thị bán đồ cho mẹ và bé ở đất nước mặt trời mọc này, những chiếc đai che bụng bầu luôn có sẵn và hầu hết mẹ bầu nào cũng có 2-3 chiếc trong nhà để thay đổi.

HẠN CHẾ TỐI ĐA ĐẺ MỔ VÀ GÂY TÊ MÀNG CỨNG

Nhớ lại ca sinh nở của mình, thật kinh khủng. Tôi đau đẻ đến ngày thứ 3 mà các bác sĩ và y tá ở đây vẫn khuyên tôi cố gắng chịu đựng để đẻ thường. Họ luôn bên cạnh tôi, động viên tôi suốt thời gian đó và liên tục kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và con. Họ nói chắc chắn rằng cả tôi và em bé đều đang rất ổn và tôi có thể đẻ thường. Trong những cơn đau, tôi đã gào lên đòi đẻ mổ nhưng các bác sĩ vẫn kiên nhẫn khuyên giải. Cuối cùng tôi cũng đón con gái bằng phương pháp đẻ thường và đúng là nhờ đẻ thường, sau sinh tôi khỏe re.

Ở đây các bác sĩ cũng không khuyến khích chị em dùng gây tê màng cứng mà luôn động viên sản phụ cố gắng sinh thường.

BẦU BÍ, PHẢI DÙNG QUẦN LÓT CẠP CAO
4.jpg

Trong danh sách những món đồ cần mua trước khi sinh mà tôi được bệnh viên phát cho, có một món đồ khiến tôi vô cùng ngạc nhiên: quần lót cạp cao nhưng lại có cúc bấm hoặc phần dính để mở ở dưới vùng kín. Lúc đầu, tôi đã cương quyết mình sẽ không bao giờ mặc loại đồ lót “kỳ quặc” này khi mang thai. Vậy nhưng cuối cùng, tôi cũng đồng ý mua bởi y tá giải thích với tôi rằng phụ nữ mang thai sẽ gặp nhiều khó khăn khi mặc ra mặc vào đồ lót trong lúc chuẩn bị đẻ bởi các y tá sẽ kiểm tra độ mở của âm đạo liên tục. Dùng loại quần lót này, tôi có thể chỉ cần cởi cúc mà không phải bỏ hẳn quần ra trong khi đang chịu đựng những cơn đau đẻ.

Quần lót cạp cao cũng giúp chị em có thể giữ ấm được bụng bầu mà không cần đến đai che hỗ trợ.

CẤT GIỮ CUỐNG RỐN

Cũng như ở Việt Nam, tại Nhật Bản cũng có tục lệ cất giữ cuống rốn của trẻ sơ sinh. Sau khi sinh, các y tá sẽ đưa cho người mẹ một chiếc hộp, trong đó có đựng một phần dây rốn được cắt của con. Các mẹ Nhật sẽ giữ chiếc hộp này đợi đến khi phần cuống rốn còn lại của con rụng thì mở ra cất cùng làm kỷ niệm. Các mẹ đều rất thích thú với việc này.

 Babycare sưu tầm

Tin được quan tâm

Tin tức khác

go top